Có lẽ từ ngàn đời gắn bó với núi đá nên đồng bào Tày có tín ngưỡng thờ đá, đá được coi là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Đá thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của người đồng bào dân tộc thiểu số; nhà được xây bằng đá, vách đá, móng được làm bằng đá hộc; chân tảng cũng được làm bằng đá và gia công lại; đá được sử dụng trong các công trình như hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò…
Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên đá cứng, đẹp. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát.
Để xếp được những bức tường đã rất khó, nhưng để lên tầng cho ngôi nhà càng khó hơn. Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5 mét, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt những cây cột dài, thẳng làm kèo. Sau đó người ta xếp những tấm ván hoặc tre để rải làm nền, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỷ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến nhà đá bị siêu vẹo, dễ đổ. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8 mét. Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng một ngôi nhà đá chính là lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang đậm vẻ cổ kính. Bên cạnh đó, thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, bà con làng Khuổi Kỵ đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách kiên cố.
Khuổi Kỵ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.
Trần Việt